Ung thư tế bào đáy

 

UNG THƯ TẾ BÀO ĐÁY
(Epithélioma basocellulaire- basalioma- Basal cell carcinoma ).

1. Đại cương.
+ Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng ở nam thường hay bị hơn ở nữ, trên 40 tuổi.

Đây là bệnh được biết từ năm 1900, nó phát triển từ lớp tế bào đáy của thượng bì da.

 

Vị trí thường gặp ở vùng hở của cơ thể như: mặt, mũi, trán, thái dương, hiếm gặp ở thân mình hoặc niêm mạc. Ung thư da basal cell (phát xuất từ lớp tế bào nền của da) xảy ra nhiều nhất, song được cái nó ít độc hơn so với hai anh em ung thư squamous cell và melanoma của nó.
Ung thư basal cell thường xảy ra trên mặt và lưng bàn tay, lớn chậm và chỉ thích lan đến các cơ quan quanh nó. Rất hiếm khi nó theo máu chuyển di đi những nơi xa. Tuy có đến 6 dạng (nodular, pigmented, cystic, sclerosing or morpheaforum, superficial, nevoid), nhưng nó thường có dạng nodular, hình khối tròn nổi trên mặt da, trông bóng trong, có những tia máu đỏ đan xuyên trên mặt.
Nếu ung thư basal cell còn nhỏ dưới 1.5 cm, dạng khối tròn, chưa từng được thầy lang nào chữa trị tầm bậy tầm bạ, ở nơi dễ giải phẫu, mổ cắt bỏ nó đi là xong, tỉ lệ trị tuyệt lên đến 95-99 phần trăm. Với những ung thư không thể giải phẫu hoặc đã chuyển di đi xa, chữa bằng hóa học trị liệu (chemotherapy).
Có hai điểm xuất phát của ung thư tế bào đáy (UTTBĐ).


- Có thể xuất phát từ một tổn thương da đã có sẵn, ví dụ: từ một cục đen da dày sừng ở người già, sau đó dưới lớp sừng này xuất hiện một vết trợt loét rồi chung quanh nổi gờ lên có màu trắng đục như hạt ngọc (perle).

- Có thể xuất hiện ngay trên da lành, bắt đầu xuất hiện một cục màu hồng, hơi mềm dần dần phát triển rộng thêm, ở giữa lõm, chung quanh có viền hơi óng ánh gồm những cục màu trắng đục thường được gọi là những hạt ngọc (perles), là triệu chứng đặc hiệu, bên ngoài thường có những tia máu nhỏ do dãn mao mạch.
Bệnh gặp ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhưng thường thấy nhất ở vùng đầu, mặt khoảng 80- 89, 3%, đôi khi có ở cổ 5, 2 %, ở thân mình 3, 6%, bộ phận sinh dục 1 %. Khi khu trú ở mặt, thường ở vùng mũi 20-23%, ở má 16-29%. Hiếm khi khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân. Ở niêm mạc không bao giờ xuất hiện bệnh.
+ Bệnh tiến triển chậm.

2 Triệu chứng lâm sàng.
Thông thường xuất hiện sau một dày sừng ở người già, đến một lúc nào đó dày sừng to lan rộng, thâm nhiễm và ở phía đáy có một vết trợt. Vết trợt được bao phủ phía trên vừa vảy da vừa vảy tiết (squame- crufte), dần dần xuất hiện các cục nhỏ riêng rẽ hoặc liên kết với nhau. Cục nhỏ đó có đặc tính của hạt ngọc ung thư.
Các hình thái lâm sàng của ung thư tế bào đáy.
2.1. Ung thư tế bào đáy phẳng thành sẹo.
Là loại ung thư tế bào đáy thường gặp nhất. Thương tổn bằng hạt đậu nhỏ, nằm sâu trong thượng bì, có thể bằng mặt da hoặc nổi cao lên, màu trắng, mờ, bề mặt nhẵn hoặc hơi dày sừng. Các thương tổn đó rộng và lớn dần, có một chỗ lõm ở phần trung tâm, nhiều năm sau tạo thành một mảng. Bờ các nổi cao lên tạo thành hình vòng, về sau liên tục xuất hiện thương tổn mới ở bờ và làm cho các thương tổn lõm xuống thành sẹo màu trắng đục, có những dãn mạch nhỏ, hoặc có loét nông. Các chỗ loét có thể lành sẹo trên một vùng nhưng loét lại lan rộng ra chỗ khác
2.2. Ung thư tế báo đáy loét.

Tổn thương cơ bản là loét, vị trí khu trú thường ở da mặt và da đầu với tính chất:
Bờ của loét hơi thâm nhiễm, bờ thẳng đứng và luôn luôn có gờ, xung quanh thành vòm. Gờ được tạo bởi những hạt ngọc ung thư nhỏ. Vết loét sâu có thể tiến triển phá huỷ nhiều ăn sâu xuống các tổ chức ở dưới, phá huỷ mạch máu hoặc đến cả xương.
2.3. Ung thư tế bào đáy nông.
Tổn thương ở thân mình, bụng, có dạng một mảng đơn độc hoặc có khi nhiều mảng. Mảng hình tròn hoặc hình dạng không đều.
Da đỏ bong vảy hoặc dày sừng có giới hạn rõ.
2.4. Ung thư tế bào đáy nổi cao.
+ Thể xùi có nụ.
U hình tròn xùi lên hoặc các nhú xùi, đôi khi dễ chảy máu và loét.
+ Thể nổi u rõ ràng (forme nodulaire):
Thể này khu trú nhiều nhất ở mặt, có một hoặc nhiều u nổi cao, màu vàng sáp, bề mặt bằng phẳng, bóng mỡ, đôi khi có những giãn mạch nhỏ, thường rải rác có vết sắc tố nhỏ, mật độ chắc như sụn. Đôi khi có chỗ mềm ấn lõm do trong u có những kén và trong kén có chứa chất dịch màu vàng nhạt hoặc đôi khi có dịch máu.
2.5. Ung thư tế bào đáy dạng xơ cứng bì.
Ở mặt, nhất là ở má và thái dương, khởi đầu là một mảng cứng về sau tổn thương là mảng màu sáp vàng hoặc màu trắng ngà vàng, không có giới hạn rõ, liên tục với da lành, đôi khi bề mặt có vài giãn mạch và rải rác có một vài vảy da ít dính.
2.6. Ung thư tế bào đáy nhiễm sắc (pigmenté).
Có nhiều hạt sắc tố trong tổ chức tế bào ung thư, sắc tố có thể nhiều màu như tảng đá hoặc đen xẫm, hình thành vết rộng liên kết với nhau trên gần toàn bộ da của khối u.

Các thể lâm sàng:
- Thể nốt (Nodular BCC): thường gặp ở đầu, cổ, phần trên của thân. Một số đặc trưng: sẩn màu sáp lõm giữa, sẩn ngọc, xây xước hoặc loét, chảy máu, vảy, bờ nổi cao, bề mặt giãn mạch.
- Thể tăng sắc tố (Pigmented BCC): ngoài những đắc trưng như ở thể nốt, tổn thương còn tăng sắc tố màu nâu hoặc đen, thường gặp ở những người da đen.
- Thể nang (Cystic BCC): nang trong suốt, màu xanh xám.
- Thể bề mặt (Superficial BCC): sẩn hoặc mảng có vảy, màu hồng tới màu đỏ nâu, thường lành ở trung tâm, bờ thường mảnh. Vị trí thường ở thân người, ít xâm lấn. Tổn thương có thể nhầm với bệnh vảy nến hoặc eczema. Số lượng tổn thương lớn có thể do tiếp xúc với arsen.
- Thể nang nhỏ (Micronodular BCC): thường không loét, ấn kính có màu vàng-trắng, sờ chắc, bờ rõ.
- Thể xơ cứng và thâm nhiễm (Morpheaform and infiltrating BCC): sẩn hoặc mảng xơ cứng, bờ không rõ; thường không loét, không chảy máu, không có vảy; dễ nhầm với mô sẹo.
Cận lâm sàng
Sinh thiết da: để chẩn đoán bệnh và thể bệnh.
- Bào da (Shave biopsy): đủ để chẩn đoán trong hầu hết các trường hợp.
- Sinh thiết da bằng kim (Punch biopsy).
3. Tiến triển.
Hai đặc tính cổ điển là tiến triển chậm và không có di căn. Tuy nhiên cũng có thương tổn tiến triển nhanh thành lan rộng, loét, trở thành phá huỷ tổ chức mạnh. Tổn thương lan sâu xuống gây chảy máu nhiều do phá huỷ các mạch máu lớn ở dưới da, phá huỷ và chèn ép các sợi dây thần kinh, xuyên vào sụn và xương ở dưới, kèm theo biến chứng nhiễm khuẩn cơ hội.
4. Chẩn đoán.
- Dựa vào lâm sàng.
- Dựa vào mô bệnh học: các tế bào khối u có nguyên sinh chất rất ít, nhân hình bầu dục hoặc hình tròn, rất kiềm, có thể có 1 -2 nhân tròn nhỏ hoặc hơi dài, không có cầu nối, cấu trúc của khối u do tập hợp các tế bào thành từng đám hoặc từng ổ kích thước thay đổi. Các tế bào này dày đặc, bắt màu kiềm, giới hạn rõ, tròn hoặc không đều, thường có những nụ ngang trong khi đó bờ của khối u có các tế bào dạng kéo dài hình trụ giống lớp tế bào đáy của thượng bì.

Chẩn đoán phân biệt:
- Keratoacanthoma
- Ung thư hắc tố
- Khô da sắc tố
- Bớt tế bào đáy
- U mềm lây
- Tăng sản tuyến bã
- Vẩy nến
5. Điều trị: Phẫu thuật: lựa chọn phương pháp phẫu thuật dựa vào: mô bệnh học, vị trí, kích thước của khối u, tuổi, thể lực, khả năng tài chính của bệnh nhân. Những phương pháp thường dùng là dùng cu-rét, phẫu thuật chuẩn, phẫu thuật Mohs, xạ trị. Áp ni-tơ lỏng được áp dụng trong một số trường hợp.
Curettage (thường kết hợp với đốt điện): áp dụng đối với những trường hợp ung thư tế bào đáy thể nốt hoặt thể bề mặt, sau khi nạo tổn thương bằng cu-rét người ta tiến hành đốt điện. Toàn bộ quá trình này có thể tiến hành lại 1-2 lần. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, nhanh, rẻ tiền hơn nhiều phương pháp khác. Nhược điểm: đây là phương pháp mù, không kiểm soát được bờ tổn thương, để lại sẹo.
Phẫu thuật chuẩn với bờ quy ước: phẫu thuật cắt khôi u và vùng da lành cách bờ tổn thương ít nhất 4mm. Ưu điểm: thời gian lành tổn thương ngắn hơn, tính thẩm mỹ tố hơn. Nhược điểm: cần nhiều thời gian hơn và đắt hơn so với dùng cu-rét, có thể bỏ sót tổn thương.
Phẫu thuật Mohs: cắt khối u và vùng rìa tổn thương, dùng phương phát cắt lạnh soi dưới kính hiển vi, cắt đến khi nào không còn ổ tế bào ung thư thì thôi. Ưu điểm: cắt hết được tổn thương, tỷ lệ chữa khỏi cao. Nhược điểm: đắt, thời gian điều trị kéo dài


- Đốt điện và nạo bằng curret: tốt cho ung thư biểu mô đáy thể u kích thước nhỏ < 6mm.
- Phẫu thuật lạnh với nitơ: áp dụng với ung thư biểu mô đáy thể bề mặt và thể u mà bờ thương tổn xác định rõ, với ung thư biểu mô đáy có biến chứng và ung thư biểu mô đáy điều trị không có kết quả với các phương pháp khác. Áp lạnh (Cryotherapy): ít áp dụng trong điều trị ung thư tế bào đáy, phụ thuộc vào kinh nghiệm của người làm.
- Phương pháp tia xạ thường áp dụng cho ung thư biểu mô đáy ở vùng da đòi hỏi phải bảo tồn tổ chức lành xung quanh về lí do thẩm mỹ (như quanh môi); áp dụng cho bệnh nhân mà không thể điều trị bằng các phương pháp khác hoặc thương tổn quá lớn và phẫu thuật thất bại. áp dụng cho những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật (người già, người suy kiệt...) hoặc phẫu thuật thất bại hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật.
Interferon alfa-2b: tiêm vào tổn thương 3 lần/tuần trong 3 tuần, mỗi lần 1,5 triệu đơn vị. Đây không phải là phương pháp điều trị chính vì giá thành đắt, tiêm nhiều lần và tác dụng phụ của thuốc. Thuốc kích thích miễn dịch, vì vậy không sử dụng ở những người ghép tạng và người có bệnh tự miễn.

Thuốc bôi:
Kem 5-fluorouracil 5%: sử dụng trong những ung thư nhỏ, thể bề mặt, hội chứng nevus tế bào đáy; ngày 2 lần trong ít nhất 6 tuần. Những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này cần được theo dõi vì không phải tất cả các khối u đều đáp ứng với thuốc.
- Kem Imiquimod (Aldara) 5% điều trị cho ung thư biểu mô đáy thể bề mặt kích thước nhỏ ở thân và các chi. Hiệu quả điều trị là 80%. Ưu điểm của phương pháp này là ít sẹo, phương pháp này đòi hỏi phải cân nhắc với các phương pháp phẫu thuật khác. tác dụng tốt trong thể bề mặt, đường kính không lớn hơn 2cm. Bôi 5 lần/tuần trong 6 tuần, tỷ lệ khỏi 70-90%.
Tiến triển bệnh:
- Tỷ lệ >90% bệnh nhân được điều trị khỏi, tuy nhiên bệnh cần thiết phải được theo rõi 5 năm bởi vì rủi ro tái phát cao gặp nhiều ở ung thư biểu mô đáy là > 40% trong vòng 5 năm sau điều trị.
- Thương tổn ít gặp rủi ro nếu kích cỡ thương tổn < 1,5cm đường kính đối với thể u hoặc thể tuyến, thương tổn không phải nằm trong vùng điều trị khó ( vùng H ở mặt) và trước đấy chưa được điều trị gì.
- Thể u và thể bề mặt của ung thư biểu mô đáy ít xâm lấn nhất.
- Thể thương tổn xơ cứng bờ thương tổn có nguy cơ xâm lấn nhiều nhất >30% và tỷ lệ tái phát lớn nhất.
Bằng chứng:
- Điều trị ung thư biểu mô đáy tiên phát ở mặt bằng phẫu thuật cho thấy tỷ lệ thất bại thấp so với phương pháp điều trị bằng tia xạ trong thời gian theo dõi 4 năm, hơn nữa kết quả về thẩm mỹ cũng cao hơn so với tia xạ.
- Điều trị ung thư biểu mô đáy tiên phát thể bề mặt và thể u ở đầu và cổ, cả phẫu thuật và liệu pháp lạnh đều cho kết quả tái phát ngang nhau sau 12 tháng, nhưng kết quả về thẩm mỹ thì phẫu thuật tốt hơn liệu pháp lạnh.
- Phương pháp tia xạ với ung thư biểu mô đáy tiên phát ít tái phát hơn so với liệu pháp lạnh sau 1 năm. Kết quả về thẩm mỹ thì không khác nhau giữa 2 nhóm sau 1 năm.
- Một nghiên cứu ngẫu nhiên giai đoạn 3 so sánh imiquimod hoặc một loại kem bôi khác sử dụng 1 lần /ngày, 5-7 lần/tuần trong 6 tuần cho ung thư biểu mô đáy thể bề mặt. Kết hợp giữa lâm sàng và giải phẫu bệnh để định giá kết quả điều trị, cho thấy: tỷ lệ khỏi của nhóm imiquimod là 75% và nhóm kia là 73%. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng imiquimod an toàn và hiệu quả đối với ung thư biểu mô đáy khi so sánh với một loại thuốc bôi khác.


Ung thư biểu mô đáy trước tai

 






 

 

 




 

 

Trực tuyến

Đang có 1404 khách và không thành viên đang online