NGỨA

1. Đại cương:

Ngứa da là một triệu chứng thường gặp với nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Khi ngứa, người bệnh sẽ gãi làm xây xước da, chảy máu gây nhiễm trùng mưng mủ hoặc ngứa, gãi tạo thành các nốt sẩn, mụn nước, khi khỏi ngứa thường để lại các nốt thâm, thậm chí để lại các nốt sẹo nhỏ. Ngứa là một cảm giác khó chịu buộc người ta phải gãi. Ngứa có thể dữ dội gây mất ngủ, gây ảnh hưởng đến hoạt động xã hội, nghề nghiệp và gia đình nghiêm trọng. 
triệu chứng ngứa rất thường gặp, dễ nhận biết và vấn đề đặt ra là tìm nguyên nhân gây ngứa.
Cần thiết phải tìm kiếm một bệnh lý da tiềm ẩn tức là không có sang thương da đặc hiệu của bệnh mà chỉ tìm thấy các sang thương da không đặc hiệu, thứ phát sau cào gãi. 
Ngoài ra còn cần phải thực hiện một số xét nghiệm để tìm kiếm một bệnh lý hệ thống. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng tìm được, nên triệu chứng ngứa trở nên vô căn.

 

2. Sinh lý bệnh học:

Cơ chế gây ngứa còn chưa biết rõ. Triệu chứng ngứa liên quan đến các đường dẫn truyền thần kinh và các chất trung gian.Ngứa là cảm giác khó chịu bắt người ta phải gãi. Ngứa là triệu chứng cơ năng thường gặp ở các bệnh da, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh toàn thân khác. Ngứa gây cảm giác khó chịu và thậm chí còn gây ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh. Có thể ngứa khu trú ở vị trí nào đó, nhưng cũng có thể ngứa khắp người, có thể ngứa nhẹ nhưng cũng có thể ngứa không chịu nổi, người bệnh phải gãi, cào mới hả. Đôi khi ngứa lại giống như cảm giác nóng, châm chích, hoặc giống như xát ớt cay vào da. Gãi thường làm người ta dễ chịu hơn nhưng sau đó lại có cảm giác ngứa hơn và lại phải gãi nhiều hơn tạo ra vòng xoắn ngứa – gãi.

* Cơ chế hiện tượng ngứa: 
Yếu tố ngoại cảnh. 
¯ 
Thần kinh. 
¯ ¯ ¯ 
® gãi ® phản xạ ®Ngứa giải phóng histamin®dập nát các tế bào

Chính tiết histamin làm giảm ngứa, nhưng gây giãn mạch và phù nề tạo phản ứng viêm, từ phản ứng viêm lại dẫn đến ngứa tăng dần và trở thành vòng luẩn quẩn. 
- Nếu biết cách gãi thì sẽ làm dịu được ngứa(chiều dài vết gãi tương ứng với số lượng điểm tiếp nhận thần kinh của da thì sẽ không gây hậu quả ngứa lại vì chỉ vừa đủ tiết histamin ức chế ngứa). 
- Khi gãi thần kinh ngoại vi bị tổn thương và gây ra biến đổi của da như: 
. Xung huyết. 
. Nhiễm sắc. 
. Sinh ra teo, dày sừng. 
. Có thể tăng tiết mồ hôi. 
. Phù, nề, loét.. 
Triệu chứng ngứa là do
- Trực tiếp: kích thích các đầu dây thần kinh gần nơi nối kết bì - thượng bì.
- Gián tiếp: do giải phóng tại chỗ các chất trung gian (kích thích các thụ thể đặc hiệu).
Cảm giác ngứa được đảm trách bởi sợi C cảm giác không myelin hóa đối với ngứa lan tỏa hoặc bởi sợi A delta myelin hóa đối với ngứa khu trú và dữ dội.
Ở một số trường hợp ngứa và đau nhưng điểm tiếp nhận khác nhau (cảm giác ngứa tương ứng với cường độ đau). Một số khác, cảm giác đau và ngứa được dẫn truyền bởi hai đường song song (khi đường dẫn truyền cảm giác đau hoạt động nó ức chế đường dẫn truyền cảm giác ngứa).
Các chất trung gian hiệp lực đồng vận với histamin sẽ gây ngứa khi được tiêm vào trong bì bằng cách kích hoạt thụ thể H1 (trong khi thụ thể H2 không đóng vai trò nào cả).Các chất trung gian thần kinh như chất P, peptid ruột vận mạch (VIP), các peptid gắn kết với các gen calcitonin (GRP) serotonin và cytokin (interleukin 2) gây ngứa tương tự như histamin hoặc làm thuận lợi cho sự giải phóng histamin. Prostaglandin (PHE2, PGH2) và protease nội sinh cũng có tác dụng hiệp lực đồng vận gây ngứa. Các peptid opioid cũng tác động qua 2 cách
hoặc qua tác động ngoại biên (hiệu quả giải phóng histamin hoặc gây ngứa do giải phóng các chất trung gian
hoặc trực tiếp ở hệ thần kinh trung ương (thụ thể Mu).Các peptid opioid này được xem là nguyên nhân gây ngứa do ứ mật khi triệu chứng ngứa biến mất sau khi bệnh nhân được cho dùng chất đối kháng với opioid (Naloxon, nalméfène). Sự phân bố các chất trung gian thần kinh khác nhau tùy theo các vùng da, vì vậy cường độ ngứa sẽ thay đổi tùy vị trí da khác nhau.

3. Các nguyên nhân gây ngứa chủ yếu không đi kèm sang thương da

Cần phân biệt ngứa khu trú và toàn thân, ngứa khu trú có thể thứ phát sau ngứa toàn thân và ngược lại.

3.1. Ngứa toàn thân:

Hoặc do nguyên nhân bên trong hoặc từ bệnh lý da (mặc dù không tìm thấy sang thương đặc hiệu).

3.1.1. Ngứa do nguyên nhân bên trong

Ngứa có thể là biểu hiện của một số bệnh toàn thân. Các bệnh có biểu hiện ngứa: Bệnh nội tiết: thiểu năng, ưu năng tuyến giáp, đái đường; Bệnh viêm gan C; Dị ứng thuốc, tác dụng phụ của thuốc ( Opiates);Một số ung thư; Hội chứng tăng bạch cầu ưa acid; Thiếu sắt; Bệnh tế bào bón; HIV; Các rối loạn thần kinh; Bệnh do côn trùng, ký sinh trùng; Mang thai; Bệnh gan mật; Ure huyết…

-Dị ứng thuốc: ngày nay hiện tượng dị ứng thuốc là điều làm cho thầy thuốc hết sức quan tâm. Loại thuốc nào cũng có thể gây nên dị ứng tùy từng cơ địa của từng người (kể cả thuốc Tây y và đông y). Khi dị ứng thuốc, ngoài các triệu chứng khác thì ngứa cũng chiếm một tỷ lệ khá cao.

-Bệnh giun sán: Khi mắc bệnh giun, sán thì ngoài rối loạn tiêu hóa có thể có triệu chứng ngứa và nổi mẩn ngoài da. Những trường hợp này người ta ít nghĩ tới chỉ khi đi khám bệnh, xét nghiệm phân mới tìm ra được nguyên nhân và thầy thuốc mới có chỉ định dùng thuốc tẩy giun đúng loại. Song song với việc tẩy giun cần ăn uống hợp vệ sinh, không ăn rau sống và uống nước lã để đề phòng mắc bệnh giun tái phát. Khi trong ruột có nhiều giun sán thì ở da cũng hay nổi các mẩn ngứa, eczema. Kèm theo, bệnh nhân da xanh, hay đau bụng vùng quanh rốn vào lúc đói Khi du lịch các nước vùng nhiệt đới, chú ý tăng eosin trong máu; giun chỉ, giun sán giai đoạn xâm nhập hoặc bệnh sán lá cần được tìm kiếm.

-Mắc bệnh tiểu đường (đường máu tăng cao): Đường máu cao thường gây ngứa ở da, da dễ bị mụn nhọt, nhiễm nấm, Bệnh nhân thường có sụt cân, ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều kèm theo có thể có ngứa da. Do ngứa nên gãi nhiều làm xây xước da gây nhiễm khuẩn. Mắc bệnh tiểu đường cần ăn kiêng một số thực phẩm như đường, các loại nước giải khát có đường, bia, rượu, chuối chín. Nên tập thể dục đều đặn. Cần vệ sinh da thật tốt để tránh nhiễm khuẩn.-

Bệnh về gan, mật: Các bệnh về gan mật làm tắc mật làm vàng da và gây ngứa. Khi ngứa mà tìm các loại nguyên nhân chưa xác định được thì cần kiểm tra chức năng và kiểm tra gan, mật để xem có viêm nhiễm, sỏi, u hay không. Viêm gan thì có nhiều nguyên nhân nhưng hay gặp nhất là viêm gan do virus và viêm gan do rượu. Muốn phòng tránh viêm gan do virus (virus viêm gan A,B,C) cần được tiêm phòng. Cần bỏ rượu, đặc biệt khi đã có hiện tượng viêm gan bất kỳ do nguyên nhân gì.Tắc mật có thể hoặc không đi kèm với triệu chứng vàng da, là nguyên nhân gây ngứa trầm trọng.
Ngứa chủ yếu ở hai lòng bàn tay, đôi khi dữ dội (nhất là trong xơ gan ứ mật nguyên phát) và có chỉ định ghép gan.
Nguyên nhân sinh bệnh còn chưa rõ, khi giải quyết được ứ mật sẽ lành bệnh; tuy nhiên không có sự tương ứng nào giữa cường độ ngứa và nồng độ acid mật trong máu và da.
Cholestyramin là chất vẫn còn được dùng trong điều trị chủ yếu trong ngứa da ứ mật, tuy nhiên hiệu quả không cố định.
Ngoài ra có thể sử dụng các phenobarbital, rifampicin, UVB. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra các chất đối kháng morphin như naloxone, nalméfène có tác dụng điều trị ngứa

-Suy thận: Những bệnh nhân bị suy thận nặng do không đào thải được các chất độc như urê cũng bị ngứa da. Triệu chứng kèm theo thường là phù, thiếu máu, huyết áp cao. Suy thận mãn nhất là ở các bệnh nhân bị thẩm phân phúc mạc 60-80% là nguyên nhân gây ngứa.
-Bệnh ác tính của bạch huyết: Những người bị bệnh hodgkin, non-hodgkin thường có ngứa da dữ dội từng đợt, kèm theo có hạch bạch huyết sưng to, cơ thể suy yếu dần.

-Thay đổi về nội tiết: Nhiều người khi mang thai hay bị ngứa lan tỏa trên da, điều này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.Cường giáp, ngứa thường kèm tăng nhiệt độ da.
Ngược lại, đái đường không phải là nguyên nhân gây ngứa toàn thân.
Tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, nhất là các ca đa thai có thể do ứ mật trong gan, chẩn đoán dựa trên lượng muối mật trong máu, phospharase kiềm và SGOT, SGPT.
Cholestyramin 4 g - 24 g/ngày có hiệu quả trong 80-100% ca. Tuy nhiên cần lưu ý các bệnh da có thể gặp ở thai kỳ gây ngứa như pemphigoid trong thai kỳ, bệnh da sẩn ngứa thai ở giai đoạn khởi phát.

-Bệnh lý máu:
Nguyên nhân gây ngứa có thể không xác định hoặc do đa hồng cầu, tăng eosin trong máu hoặc loạn sản tủy.
Do tăng histamin trong máu hoặc giải phóng serotonin hoặc prostaglandin từ tiểu cầu.
Dùng aspirin 1 g/ngày (ức chế prostaglandin) và chất đối kháng serotonin như pizotifen, cyproheptadin đôi khi có tác dụng.
Triệu chứng ngứa đôi khi đơn độc, dữ dội kéo dài hàng tháng là triệu chứng duy nhất của u lymphô. Đối với bệnh Hodgkin, triệu chứng ngứa là dấu hiệu bệnh nặng.
Đối với người cao tuổi, ngứa đôi khi là biểu hiện của ung thư ở sâu, tân sản nội tạng, cận tân sinh do giải phóng các peptid gây ngứa từ bướu (triệu chứng ngứa sẽ biến mất khi điều trị ung thư).

-Nhiễm HIV:
Có thể do da khô do virus hoặc các thuốc chống virus, tăng lượng tụ khuẩn vàng và dermodex, tiết túc, u lym phô.
Dùng chất làm mềm da, UVB và các chất ức chế prostagladin (indomethacin) cho kết quả rất tốt.

-Ngứa do nguyên nhân tâm thần kinh:
Các bệnh lý tâm thần kinh có thể là nguyên nhân gây triệu chứng ngứa lan tỏa và mạn tính, dữ dội gây mất ngủ.
Dùng pimozid rất hiệu quả trong điều trị triệu chứng ngứa do bệnh sợ ghẻ.
Nhiều bệnh lý trong nội tạng khác cũng gây ngứa da. Muốn hết ngứa, phải tìm được nguyên nhân để điều trị tận gốc. Do vậy, khi bị ngứa da, không nên tự ý bôi thuốc mà nên đi khám bệnhNhư vậy, muốn hết bệnh ngứa cần tìm nguyên nhân, khi đã biết chắc chắn nguyên nhân của nó thì việc điều trị sẽ có nhiều thuận lợi cho dù là nguyên nhân bên trong cơ thể hay nguyên nhân ngoài da. Khi không thấy các sang thương cơ bản ở da, việc tìm kiếm các bệnh lý hệ thống cần được thực hiện một cách có hệ thống.

3.1.2. Ngứa do bệnh da :

Là nguyên nhân thường gặp, tuy nhiên do không tìm thấy các sang thương cơ bản nên việc chẩn đoán dựa vào chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân bên trong bệnh lý hệ thống)

.-Các sản phẩm vệ sinh thân thể (xà phòng tẩy) và các chất dùng tắm rửa hàng ngày có thể là nguyên nhân gây ngứa do làm khô da, nhất là ở người lớn tuổi hoặc cơ địa dị ứng.

-Các thay đổi môi trường (nhiệt độ, độ ẩm) có thể là nguyên nhân gây ngứa ở người cao tuổi, cơ địa dị ứng, người da đen, di dân (ở người >70 tuổi thường chiếm khoảng 30-40%).Cơ chế: có thể do nhiều yếu tố: tăng khô da (giảm tiết mồ hôi và chất bã nhờn), teo da, tác nhân thần kinh (thoái hóa sợi thần kinh ngoại biên myelin hóa), tác nhân tâm thần kinh (lo lắng, buồn phiền, cô đơn).

-Bệnh viêm da dị ứng: Trong các bệnh viêm da dị ứng có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có viêm da do tiếp xúc thường hay gặp. Viêm da tiếp xúc là do dị ứng nguyên khi gặp kháng thể gây nên hiện tượng phản ứng biểu hiện là viêm da và gây ngứa, ví dụ viêm da dị ứng ở một số người do đeo quai đồng hồ bằng da hoặc bằng nhựa hoặc viêm quanh thắt lưng quần do giây chun bằng cao su. Cũng có một số người dị ứng với da hoặc cao su nên không đi dép da hoặc dép nhựa được vì hễ mỗi lần đi dép vào là ngứa da vùng tiếp xúc trực tiếp tạo nên phản ứng gây ngứa.

-Bệnh mề đay: Mề đay là một bệnh dị ứng da do tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc do ăn, uống với chất hay gây dị ứng ở một số người như tôm, cua, ốc, mắm tôm... Đây là những chất đóng vai trò là dị ứng nguyên khi gặp kháng thể có sẵn trong máu bệnh nhân sẽ gây nên hiện tượng dị ứng. Bệnh mề đay thường xảy ra ngứa đột ngột, dữ dội tại một vùng da nào đó hoặc có khi gần khắp da cơ thể như cánh tay, bụng, đùi, cẳng chân. Đôi khi bệnh mề đay còn xảy ra ở niêm mạc làm sưng mắt, môi, thậm chí gây viêm niêm mạc ruột gây đau bụng, tiêu chảy, viêm, phù thanh quản. Người ta gọi là nổi mề đay vì nổi lên các nốt sẩn, ngứa. Trong bệnh mề đay, điển hình nhất là ngứa, người bệnh càng gãi càng ngứa. Các sẩn ngứa to, nhỏ khác nhau đôi khi tạo thành từng mảng. Viền của sẩn ngứa mề đay có màu hồng, trung tâm của sẩn ngứa có màu nhạt hơn.

-Bệnh nấm da: Viêm da do nấm là bệnh nói chung, nhưng do nhiều loài nấm khác nhau gây nên (nấm thân, nấm kẽ, nấm móng, nấm tóc...). Mỗi một loài nấm gây bệnh cho da được gọi các tên khác nhau. Bệnh nấm da cũng gây nên ngứa làm cho bệnh nhân rất khó chịu, ví dụ bệnh hắc lào. Bệnh hắc lào là do nấm thân gây nên. Đầu tiên là ngứa vùng bị bệnh, sau đó thấy một vệt màu hơi đỏ, có viền, bờ rõ rệt, trên viền có các mụn nước lấm tấm. Viền này càng ngày càng lan rộng tạo thành nhiều hình vòng cung. Do người bệnh bị ngứa, gãi làm lây lan ra nhiều vùng da khác trên cơ thể. Bệnh hắc lào là bệnh lây từ người này sang người khác do dùng chung quần áo, khăn tắm, ngủ chung giường, chiếu... Muốn phòng bệnh hắc lào cần vệ sinh cá nhân tốt. Không dùng chung quần áo, chiếu, khăn và không nằm chung giường với người bị bệnh hắc lào. Khi nghi bị bệnh hắc lào nên đi khám để được xác định và điều trị dứt điểm tránh lây lan cho người khác. Bệnh lang ben: là một bệnh do nấm gây ra và cũng gây ngứa ghê gớm. Bệnh gây ngứa đặc biệt là khi người bệnh ra nhiều mồ hôi nhất là khi trời nắng. Bệnh lang ben hay gặp ở cổ, vai, ngực, bụng, cánh tay. Bệnh lang ben cũng lây lan từ người này sang người khác do dùng chung quần áo, khăn mặt, ngủ chung giường... Khi bị lang ben nên đi khám bệnh để được làm các xét nghiệm xác định nấm và trên cơ sở đó người thầy thuốc sẽ cho thuốc điều trị thích hợp và tư vấn sát với thực tế hơn. -Gàu da đầu: Ở người nhiều gàu thường kèm theo ngứa da đầu. Gàu là hiện tượng viêm da làm bong lớp sừng ở da vùng đầu. Hiện nay có nhiều loại dầu gội đầu khác nhau và tùy thuộc vào da đầu của từng người. Vì vậy khi bị gàu nên chọn loại dầu gội thích hợp với da đầu của mình mới hy vọng làm giảm hoặc hết gàu.Trong mọi trường hợp, ngứa ở người lớn tuổi cần phải lưu ý khi sống cô đơn hàng tháng vì có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh phát ban dạng bóng nước, hoặc u lymphô da, tế bào T hướng bì (u sùi dạng nấm, hội chứng Sézary) và cần thực hiện sinh thiết da. Ngoài ra cần loại trừ bệnh ghẻ (nhất là trong trường hợp vệ sinh tốt) cần tìm thấy cái ghẻ hoặc được chứng minh qua điều trị.

3.2. Ngứa khu trú
Ngứa ở da đầu có thể do chấy, không dung nạp dầu gội đầu, tiểu đường hoặc stress.
Dị cảm lưng: là ngứa một bên, khu trú ở phần trên của lưng. Dường như do chứng nhạy cảm lưng đơn độc (dây thần kinh liên sườn). Cơ chế sinh bệnh không rõ. Có thể nguyên phát hoặc kết hợp với ung thư tuyến giáp hoặc tăng sản đa nội tiết; cần lưu ý tìm bệnh lý này ở người có chứng dị cảm lưng có tính gia đình.
Bệnh da ánh sáng ở vùng nhiệt đới cũng là nguyên nhân gây bệnh ngứa do tổn thương thần kinh vì tiếp xúc với ánh sáng mặt trời lâu ngày gây ra.
Các tổn thương ở não: (bướu, đột quị) cũng là nguyên nhân gây ngứa từng cơn, dữ dội, khu trú ở vùng thần kinh bị tổn thương.
Ngứa vùng hậu môn - sinh dục: không tìm thấy sang thương cơ bản có thể do ký sinh trùng (giun kim) hoặc do sử dụng tại chỗ các chất kích thích hoặc do bệnh trĩ. Thường triệu chứng ngứa liên quan đến điều kiện vệ sinh kém hoặc nguyên nhân tâm thần kinh.

4. Các việc cần thực hiện khi gặp triệu chứng ngứa không đi kèm sang thương đặc hiệu của da

4.1. Tìm kiếm căn nguyên:
Hỏi bệnh cẩn thận là một bước căn bản và cần xác định được các yếu tố sau đây
- Cách khởi phát bệnh
- Thời điểm xuất hiện, kéo dài, chu kỳ, tính cách theo mùa.
- Lan tỏa hay khu trú, cố định hay di chuyển.
- Cường độ: ảnh ưởng đến sinh hoạt Trầm trọng gây mất ngủ
- Tính chất đơn độc hay tập thể
- Các yếu tố khởi phát cơn ngứa.
- Các yếu tố khác: tuổi, nghề nghiệp, thói quen bệnh nhân (vệ sinh, thói quen, tiếp xúc với gia súc, môi trường, du lịch, giao hợp, thuốc).
- Tiền căn cá nhân và gia đình (cơ địa dị ứng, truyền máu, bệnh lý gia đình).
- Các thuốc đã sử dụng.
- Dấu hiệu toàn thân: ra mồ hôi ban đêm, sụt cân.

4.2.Khám ngoài da cẩn thận:
- Để tìm kiếm các sang thương cơ bản và hướng tới các bệnh lý da tiềm ẩn (thường không tìm thấy).
- Tìm ra các dấu hiệu khô da các tổn thương không đặc hiệu do cào gãi: vết sướt, sẩn ngứa, lichen hóa, móng trơn láng, rụng lông mày hoặc lông trên xương mu, hoặc biến chứng: chàm hóa, nhiễm trùng.
Khám toàn diện: 
- Tìm kiếm các hạch toàn thân, gan hoặc lách.
Các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Xét nghiệm HIV
- Huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng (nếu đi du lịch vùng nhiệt đới).
- Nếu không có yếu tố hướng dẫn, cần thực hiện bilan cận lâm sàng như trong Bảng IV.
- Các xét nghiệm có tính chất hướng dẫn bởi kết quả ban đầu (định lượng lượng sắt trong huyết thanh trong chứng tiểu hồng cầu, miễn dịch điện di protein trong máu và nước tiểu khi có bất thường điện di protein trong máu, huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng trong trường hợp tăng eosin máu và du lịch vùng nhiệt đới, siêu âm bụng khi nghi ngờ u lymphô mà X quang ngực bình thường.
- Ở người cao tuổi cần thực hiện sinh thiết da lành và xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (tìm kháng thể kháng màng đáy) để loại trừ bệnh phát ban dạng bóng nước.
- Bilan cận lâm sàng này rất tốn kém và đôi khi vô ích khi không có dấu hiệu chỉ điểm lâm sàng. Tuy nhiên cần phải lặp lại mỗi 6 tháng vì triệu chứng ngứa tồn tại dai dẳng nhiều tháng trước khi có các dấu hiệu khác của một bệnh lý da hoặc bên trong.

5. Điều trị triệu chứng
Trong khi tìm kiếm căn nguyên, việc điều trị làm dịu cơn ngứa cần được thực hiện. Tuy nhiên khoảng 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây ngứa và việc điều trị chỉ là điều trị triệu chứng.
Chống khô da:
- Tắm với các dung dịch làm mềm da (cold cream, citrat de galien).
- Dẫn xuất urê, acid a-hydroxy.
- Điều hòa độ ẩm trong phòng.
Cần loại bỏ các điều trị không thích hợp như các chất bôi tại chỗ gây kích thích: dung dịch sát khuẩn, cồn; chất bôi tại chỗ gây nhạy cảm: thuốc gây tê tại chỗ, kháng histamin bôi tại chỗ, kháng viêm không steroid bôi tại chỗ hoặc corticoid, làm nặng thêm quá trình teo da và gây ngứa.
Loại bỏ các chất gây tại chỗ gây kích thích da: xà phòng tẩy rửa, nước hoa, tránh dùng quần áo có chất nylon, len.
Sử dụng quần áo bằng vải, cắt ngắn móng tay, dùng xà phòng thích hợp.
Sử dụng chất làm lạnh da có thể làm dịu cơn ngứa do tác dụng ức chế trực tiếp lên các thụ thể: dùng bột và dung dịch menthol, mặc quần áo ẩm.
Capsaicin tại chỗ có tác dụng tốt trong dị cảm lưng, ngứa do tăng urê, bệnh da do ánh sáng.
Tuy nhiên do tác dụng phụ thứ phát (cảm giác bỏng rát hợac châm chích) cần hạn chế sử dụng trong ngứa toàn thân.
Các tổn thương thứ phát cần điều trị bằng thuốc sát khuẩn tại chỗ (chốc hóa, vết xướt) và/ hoặc corticoid tại chỗ (sẩn ngứa, lichen hóa, chàm hóa) sau đó thay thế bằng chất làm mềm da.
Kháng H1: hiệu quả không đều và hoàn toàn. Các chất có tác dụng trên thần kinh trung ương (hydroxyzine) có kết quả tốt trong ngứa gây mất ngủ, trong khi chất an thần kinh và chống lo âu có kết quả tốt trong ngứa do nguyên nhân tâm thần (clopexin 50 mg/24 giờ).
Liệu pháp ánh sáng: PUVA liệu pháp hoặc UVB liệu pháp rất hiệu quả trong điều trị ngứa ở người cao tuổi hoặc kháng với các liệu pháp khác. Tuy nhiên cần thực hiện khá nhiều lần (khoảng 10 lần).

Kết luận
Ngứa không kèm sang thương da là một vấn đề thường gặp, triệu chứng thay đổi từ người này sang người khác, cần tìm kiếm một nguyên nhân bên trong, bệnh lý hệ thống và một bệnh lý tiềm ẩn vì đôi khi ngứa là triệu chứng đơn độc tồn tại hàng tháng trước khi các biểu hiện khác của bệnh lý này xuất hiện;Tuy nhiên không phải lúc nào cũng tìm được nguyên nhân thực thể gây ngứa. Nhiều yếu tố như khô da, teo da, sai lầm trong săn sóc và điều trị da, lo âu thái quá) đôi khi cũng là nguy nhân gây ngứa, giải quyết các yếu tố này kết hợp với điều trị căn nguyên sẽ dẫn đến cải thiện và giải quyết dứt điểm vấn đề này.