Ung thư da

 

UNG THƯ DA

(Skin cancer)

1. Đại cương:

Ung thư da hay gặp ở miền xích đạo nơi có bức xạ cực tím lớn nhất.Tuy nhiên, khó xác định chuẩn xác tỉ lệ mắc vì nhiều ca bệnh không khai báo, không điều trị, hoặc điều trị bằng nhiều cách nên dễ thất lạc. Nhìn chung ung thư da thường gặp nhất là người da trắng: trên 200/100.000 dân , người da đen ít mắc nhất dưới:10/100.000 dân. Người da vàng tỉ lệ mắc ở mức trung bình.Nam mắc cao 1,5 lần so với nữ.

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm trên thế giới có khoảng 10.000.000 trường hợp mắt bệnh ung thư mới, và có khoảng 6.000.000 người chết do ung thư. Ơ các nước phát triển, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch và ở các nước đang phát triển thì đây là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 sau bệnh nhiễm trùng và tim mạch. Tại Việt Nam ước tính hàng năm có khoảng 100.000 – 150.000 trường hợp mới mắc ung thư và khoảng 70.000 người chết do ung thư.

Bệnh ung thư da đối với sức khoẻ là vấn đề ngày càng quan tâm ở nhiều nước. Xu hướng mắc bệnh ung thư da trên thế giới, cũng như ở Việt Nam ngày càng gia tăng.

Ung thư da là một trong những ung thư thường gặp, chẩn đoán không khó, điều trị đạt hiệu quả tốt nếu được phát hiện sớm.

2. Yếu tố bệnh sinh:

2.1. Các triệu chứng có tính chất gia đình:

2.1.1. Bệnh xơ da nhiễm sắc:

Thương tổn trên da toàn thân,da dày, xơ, nhiều vảy bong, màu nâu hoặc đỏ. Nguyên nhân do sai lạc gien ngăn cản sự phục hồi tổn thương DNA do tia cực tím.

2.1.2.Hội chứng ung thư biểu mô tế bào đáy dạng nơ vi:

Lúc còn niên thiếu thấy các nang thượng bì hoặc các hốc ở lòng bàn tay, bàn chân. Khi dậy thì hoặc khoảng 30 tuổi thấy xuất hiện nhiều ổ ung thư da tế bào đáy phôí hợp với xơ da, bất thường ở xương sườn, cột sống.

2.1.3.Hội chứng gardner:

Di truyền trội các thương tổn u nang dưới da.

2.1.4.Hội chứng Torres:

Di truyền các ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tuyến bã. Không di căn trên những bệnh nhân có xơ khô da nhiều ổ (Multiple Kerato Acanthomas). Người bệnh cũng hay kèm theo ung thư đại tràng và ung thư bóng Vate.

2.2. Màu da:

Những người da sáng, mắt xanh, tóc bạch kim hoặc đỏ có nguy cơ ung thư da cao.

2.3. Bệnh lí da có sẵn:

- Tàn nhang:

- Xơ da quang hoá: hay gặp ở người lớn tuổi, bệnh hay xuất hiện ở vùng da hở như tay, chân, đầu, cổ.

- Bệnh sắc tố: bệnh xơ da nhiễm sắc, bạch tạng.

- Nhiễm trùng: các trường hợp nhiễm vi rút gây u nhú (HPV type 5)

- Viêm da mạn tính hoặc chấn thương da : xuất hiện trên da bỏng cũ, lỗ dẫn lưu, lỗ dò, loét do nằm lâu, sẹo tiêm, vết xăm da, tổn thương có xu hướng lan rộng và di căn hạch vùng.

2.4. Da tiếp xúc với phóng xạ:

2.4.1. Bức xạ cực tím:

Đây là yếu tố nguy cơ chủ yếu của ung thư da được chia làm 3 dải: UVA , UVB, UVC.

2.4.2. Bức xạ ion hoá:

Tia gây teo da, mất sắc tố, giãn mạch , rụng lông và sừng hoá sau một thời gian tiềm tàng gây nên ung thư da.

2.5. Tiếp xúc với hoá chất gây ung thư:

Do tiếp xúc lâu với nhựa đường, paraffin, nhựa than đá, dầu nhờn, hydrochloride, arsenic, thuốc trừ sâu diệt cỏ. Các hoá chất gây nên biến dị NST, như là yếu tố khởi phát, sau đó gặp các tác nhân xúc tiến sẽ phát triển thành ung thư , đặc biệt là mỏ uramium và mỏ Arsenic.

2.6. Hội chứng suy giảm miễn dịch:

Nguy cơ ung thư da thấy ở người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) hoặc sau ghép cơ quan tăng gấp 16 lần so với dân số chung.

Ở những bệnh nhân này các u phát triển mạnh hơn, thường tổn thương lan toả.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu ung thư Anh đã khám phá ra vai trò quan trọng của một loại gen ảnh hưởng tới sự phát triển của điểm đen bất thường ác tính trên da - dạng ung thư da gây tử vong nhiều nhất.
Các nghiên cứu đã cho thấy sự biến thể của một số loại gen tên là B-RAF gây ra sự phát triển của tế bào ung thư. Khi gen B-RAF bị biến đổi, nó sẽ ngăn cản sự sinh ra của một loại protein có tên là MITF. Protein MITF ngăn cản sự phân chia của tế bào ung thư da nên khi gen B-RAF bị biến thể, khối u ung thư sẽ tăng sinh dễ dàng. Từ sự khám phá trên các nhà nghiên cứu đã đưa ra triển vọng mới trong điều trị bệnh ung thư da trong tương lai. Bằng liệu pháp đưa vào cơ thể gen B-RAF giả có tác dụng làm tăng nồng độ protein MITF có thể ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư da từ 73% đến 84%.
Theo nhà nghiên cứu, TS.Richard Marais, sự hiểu biết về hoạt động của các tế bào có thể giúp cho bệnh nhân hiểu rõ về giai đoạn bệnh của mình và cho phép điều trị theo từng liệu pháp riêng đối với mỗi bệnh nhân

3. Chẩn đoán:

3.1. Các triệu chứng tại chỗ:

3.1.1. Ung thư biểu mô tế bào đáy:

- Thương tổn chủ yếu ở đầu, cổ và da hở.

- Là loại xuất phát từ các tế bào đa hình .ở lớp đáy của thượng bì gồm các thể:

+Thể cục loét: Hay gặp, bờ sắc, loét giữa, xung quanh giãn mao mạch.
        Vi thể: lưới đệm xơ mạnh, có những ổ thoái hoá tinh bột, không có gián phân bất thường.

+Thể sắc tố: Thương tổn giống như thể cục loét hoặc có màu tro , xanh hoặc nâu, đen khó phân biệt với u hắc tố ác tính bằng đại thể.

+Thể nông: Xuất hiện ở da thân mình, biểu hiện là đám loét nông, màu đỏ, xung quanh nhạt màu.

+Thể xơ: Thương tổn màu trắng, gồ cao,cứng hay gặp ở người sẹo lồi.

Vi thể thấy các tế bào đáy nằm trên lớp đệm liên kết xơ hoá dày đặc.

+Thể thâm nhiễm: Tạo thành cục đặc, không có ranh giới, màu vàng.

+Thể u xơ bì pinkers: Xuất hiện thành nhú màu đỏ, nhẵn có cuống, vi thể cho thấy sợi tế bào bện vào nhau đi từ lớp thượng bì đến lớp đệm liên kết xơ dày đặc.

3.1.2. Ung thư biểu mô tế bào gai:

- Hay phát triển từ sẹo bỏng hoặc vết loét lâu ngày.

- Thường là loét ở sâu, bờ gồ cao, nhiều thuỳ, sẩm màu. Hạch bội nhiễm gây hôi thối chảy nước, chảy máu . Ngoài ra còn 1 số thể:

+ Ung thư biểu mô tế bào đáy có vảy: Hình ảnh giống như ung thư biểu mô tế bào đáy nhưng xâm lấn rộngvà có thể di căn.

+ Thể lồi :Thương tổn lồi ra thành nhiều nhú, nhiều cành, tiến triển chậm. Hay gặp ở các hốc tự nhiên như miệng, hậu môn, dương vật, bàn chân.

+ Thể hồng sản: Tổn thương thành đám màu đỏ ở khoang miệng hay kèm theo các đám bạch sản.

3.2. Triệu chứng toàn thân:

- Thường nghèo nàn.

- Có khoảng 0,003 % ung thư biểu mô tế bào đáy và 10 – 35 %, ung thư biểu mô tế bào gai có di căn hạch.

- Giai đoạn cuối của ung thư tế bào gai có suy sụp cơ thể, sút cân, sốt, thiếu máu, đau...

3.3. Cận lâm sàng:

Sinh thiết vùng tổn thương làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định loại ung thư.

4. Chẩn đoán phân biệt:

Cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp sau:

- Loét nhiễm trùng do nấm, viêm lao, giang mai.

- Loét do thiểu dưỡng: như ứ trệ tĩnh mạch, thiếu máu động mạch, bệnh xơ da tiền ung thư.

- Các ung thư hắc tố không có sắc tố.

5. Điều trị:

- Nguyên tắc là cần phải có chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng và mô học của tổn thương.

- Cần khám thêm bộ phận khác như hạch, nội tạng.

- Điều trị càng sớm càng tốt.

- Đối với ung thư tế bào đáy khi được phát hiện và điều trị đúng như cách cắt bỏ, đốt điện hoặc dùng tia xạ thì khỏi 100%.

- Đối với ung thư tế bào gai, phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì cũng khỏi 100%, phát hiện muộn thì tỷ lệ khỏi hẳn sẽ giảm.

- Đối với ung thư hắc tố khi mới hình thành và phát hiện điều trị kịp thời thì tiên lượng tốt hơn, còn khi đã xâm lấn sâu và di căn hạch thì tiên lượng rất xấu.

- Sau khi đã điều trị người bệnh cần được tiếp tục theo dõi nhiều năm.

 

 

5.1. Phẫu thuật:

- Ung thư biểu mô tế bào gai cần được phẫu thuật rộng hơn, diện cắt > 2cm. So với loại ung thư biểu mô tế bào đáy diện cắt <1cm.

- Ung thư tế bào đáy không cần điều trị hạch.

- Ung thư biểu mô tế bào gai: phải cân nhấc điều trị hạch bạch huyết vùng.

+ Nạo và đốt điện, hoặc áp lạnh, ít dùng, nếu có thể dùng cho ung thư tế bào đáy. Khi tái phát thì chống chỉ định.

+ Cắt bỏ rộng u:

• Trước mổ cần điều trị chống viêm quanh u, chống nhiễm trùng.

• Tuỳ vị trí và kích thước tổn thương mà ta có các phương pháp phẫu thuật khác.

+ Vét hạch:

• Trong ung thư da hạch hay phản ứng viêm, nên cần điều trị kháng sinh trước.

• Vét hạch theo nguyên tắc tuỳ các chặng hạch như: cổ, nách, bẹn.

5.2. Tia xạ:

- Ung thư tế bào đáy: Tia xạ áp sát tại chỗ bằng cesium hay P32 cũng đem lại hiệu quả cao.

- Ung thư tế bào gai: Dùng tia xạ với mục đích điều trị tạm thời, hoặc bổ xung trong 1 số trường hợp

5.3. Hoá trị liệu:

5.3.1. Hoá chất tại chỗ:

Dùng 5FU 1-5% bôi 2 lần / ngày 4-6 lần.với các thương tổn tiền ung thư hoặc ung thư tế bào đáy nông nhỏ, nhưng phải thận trọng.

5.3.2. Hoá chất toàn thân: ít dùng.

Trong một số trường hợp đặc biệt điều trị tạm thời bằng 5FU, cisplatin, doxorubicin và Iostretinoin khi ung thư di căn rộng.

6. Phòng bệnh ung thư da:

 Với ung thư da, như nhiều ung thư khác, không gì bằng phòng ngừa. Bằng cách bảo vệ da trước sức tàn phá nguy hại của ánh nắng mặt trời.
1. Tránh ánh nắng: Ở bất cứ tuổi nào, nên tránh tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều càng tốt. (Thường, chúng ta lo cho da chúng ta, song quên mất da của con em: “Kệ, cho chúng nó chạy chơi ngoài nắng cho khỏe, trong nhà quẩn chân, chúng nó quậy quá”.)
Ánh nắng gắt trong khoảng 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều hại cho da nhất. Cháy nắng (sunburns) và da thẫm màu vì nắng (suntans) là dấu hiệu cho biết da đã tổn thương. Tốt nhất, tránh ra ngoài trong khoảng thời gian 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Bất đắc dĩ phải ra, ta mặc quần áo dài tay dài chân để bảo vệ da, được loại quần áo đặc biệt dùng chống nắng càng tốt. Quần áo rộng một chút, cho mát.
2. Dùng kem chống nắng: Nên dùng kem chống nắng cho những vùng không được quần áo che chở, loại có “yếu tố bảo vệ” (gọi là SPF, “sun protection factor”) từ 15 trở lên.
Dùng kem chống nắng ngay cả vào những ngày có mây. Nhớ bôi kem 30 phút trước khi bạn ra ngoài trời nắng, cả vào tai và gáy là những vùng hay bị ánh nắng chiếu, bạn không để ý. Bôi kem lại khoảng mỗi tiếng nếu bạn chảy mồ hôi hoặc bơi lội làm trôi mất kem.
Xin nhớ, đừng ỷ vào kem chống nắng, chỉ dùng nó không thôi, mà coi thường các phương pháp bảo vệ da khác.
3. Đội mũ rộng vành và đeo kính mát: Nguyên tắc cần nhớ ra nắng, ta cố che hết mọi chỗ (Thế mới biết phụ nữ các nước Ả-rập khôn thật, trùm từ đầu đến chân). Mũ rộng vành là người bạn tốt che mặt, cổ và tai cho ta. Mũ có vành cả trước sau, hai bên đều rộng khoảng 6 inches tốt nhất. Mũ kiểu của người chơi dã cầu baseball có tí mái che đằng trước, không đủ.
Đeo kính mát để bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt, nhất là loại kính ngăn được cả tia cực tím A (ultraviolet-A) lẫn tia cực tím B (ultraviolet-B). Kính mát cũng giúp mắt ta sau này ít bị mộng thịt (pterygium) và bệnh đục thủy tinh thể (cataract). Nên chọn loại kính mát to, cong, úp sát quanh hai mắt (wraparound sunglasses), nắng bên ngoài khó mà vào mắt ta.
4. Đừng mê làm da sậm màu: Trời cho da ta sao ta vui vẻ nhận vậy. Đừng thích có da màu sậm đến độ đi đến những nơi quảng cáo sẽ làm da sậm đi (tanning salons), trả tiền cho họ, mua lấy ung thư da. Những chỗ ấy họ làm hại da ta không kém ánh nắng mặt trời.
Đời luôn có mặt nọ mặt kia. Ánh nắng cần cho sự sống, song cũng rất hại cho da. Ánh nắng có thể gây bệnh ung thư da, chưa kể khiến da ta xấu, ta trông mau già. Hãy luôn nghĩ đến việc chống nắng, bảo vệ da. Hãy thay thói quen nắng nóng mặc quần xà lỏn, áo thung hở cổ lộ nách cho mát, bằng thói quen càng nắng, càng ăn mặc kỹ. Và, đường đời nhiều ngả, khi có thể, ta khôn chọn nẻo có bóng mát mà đi.

- Phần lớn các loại ung thư da đều có liên quan đến yếu tố ánh nắng mặt trời, cho nên việc tránh nắng, hạn chế tiếp xúc với nắng là cần thiết để giảm tỷ lệ ung thư da.

- Ở người trung niên hoặc lớn tuổi khi gặp bất cứ tổn thương trên da, niêm mạc mới nổi lên hoặc có vẻ bất thường như lớn ra thêm, lở loét, đỏ, ngứa, đen thêm thì nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Tránh tự ý mua thuốc bôi, thuốc uống linh tinh vì có thể kích thích tổn thương, ung thư tiềm tàng phát triển nặng hơn.

- Tránh hoặc hạn chế đụng chạm vào những chỗ có nốt ruồi hoặc tổn thương cũ ở da như sẹo phỏng, chỗ da dày sừng v.v...

- Sau khi tiếp xúc với hóa chất cần phải rửa sạch nhất là hắc ín, arsenic.

- Khi phát hiện có bất cứ sự thay đổi trên da thì cần đến khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa Da liễu hoặc chuyên khoa ung bướu, phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời ung thư da sẽ giúp người bệnh khỏi hoàn toàn

- Mặc áo nhiều màu hoặc màu tối bằng các chất liệu tự nhiên, sẽ bảo vệ da bạn tốt hơn là áo màu sáng bằng chất liệu nhân tạo.

- Khi làm việc ngoài trời cần sử dụng nón rộng vành để che được cả đầu, mặt, cổ hoặc tận dụng bóng râm của cây cối.

- Khi làm việc có tiếp xúc với hoá chất phóng xạ cần phải có biện pháp bảo vệ như: Đi găng, ủng, quần áo bảo hộ, kính, mặt nạ.

- Hạn chế làm việc ngoài trời nắng từ 10 h đến 14h

- Thường xuyên vệ sinh da sach sẽ, tránh và điều trị kịp thời các tổ chức viêm nhiễm trên da.

- Bất kỳ một tổn thương nghi ngờ ở da bạn hoặc của người thân nên tới và khuyên người thân tới các cơ sở y tế để Khám.

- Mọi phát hiện và chẩn đoán sớm đều tốt cho bạn trong việc điều trị triệt để.

- Ung thư da có thể phòng ngừa được và phát hiện sớm.


phân loại ung thư da
Theo OMS (1974) phân loại ung thư da như sau:
+ Tiền ung thư:
- Bệnh Pagét.
- Bệnh Bowen.
+ Các ung thư tế bào biểu mô da (Epitheliomas).
- Ung thư biểu mô tế bào đáy.
- Ung thư biểu mô tế bào gai.
+ Các ung thư tế bào hắc tố (naevi- carcinomes)
+ Các ung thư của tổ chức liên kết (sarcomes).






 



 

 

Trực tuyến

Đang có 499 khách và không thành viên đang online