Tàn nhang

 

 

 

Tàn nhang

 

Tàn nhang hay còn gọi là tàn hương là những chấm màu nâu sẫm hình tròn, phẳng có đường kính dưới 0,5 cm,  rải rác hoặc tập trung thành đám hay xuất hiện ở vùng da hở, cổ ngực, má mũi, lưng bàn tay... thường thấy ở vùng da hay tiếp xúc với ánh nắng.
Tàn nhang là một khuyết tật nhỏ ngoài da, liên quan chủ yếu tới sự tăng trưởng sắc tố ở lớp đáy và lớp trung bì.

 

          Tàn nhang có nhiều màu – có thể đỏ, vàng, nâu sậm, nâu nhạt, nâu, hay đen – nhưng chúng luôn luôn đậm hơn màu da xung quanh do lắng đọng sắc tố gọi là melanin.

Tàn nhang thường gặp ở những người có làn da trắng, mỏng, mịn; có tính di truyền. Tuổi càng cao, các nốt tàn nhang càng sẫm màu hơn. Càng ra nắng vết tàn nhang càng tǎng sẫm màu. Tàn nhang hay xuất hiện lúc tuổi dậy thì đến khi trung niên có xu hướng giảm dần, sau đó có thể tự nhiên khỏi.Bệnh tăng về mùa hè và giảm về mùa đông. Tàn nhang chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ chứ không gây hại sức khỏe.

Nốt tàn nhang thường nổi rõ khi cơ thể gầy yếu và mờ đi khi cơ thể khỏe mạnh. Do đó, để tàn nhang đỡ ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ, vấn đề chủ yếu là phải tăng cường sức khỏe toàn thân. Tàn nhang hoàn toàn lành tính, không gây tai biến, không bao giờ chuyển thành ác tính, không gây ảnh hưởng gì. trong phương diện thẩm mỹ, làm da kém phần hấp dẫn, tươi sáng.

phân biệt:

  nốt ruồi - những chấm tăng sắc tố (màu đen) gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

nám má - đốm nâu: dát màu nâu đường kính rộng vài cm, thường xuất hiện ở 2 má, vùng thái dương và trán của phụ nữ có thai, mãn kinh hoặc đang uống thuốc tránh thai.

 Nốt ruồi son ác tính: Đây là bệnh hiếm xảy ra, thường ở trên mặt người già có tiền sử tiếp xúc với ánh nắng nhiều. Sau nhiều năm, nếu không điều trị, bệnh này có thể diễn tiến thành ung thư ác tính.

Melanom: Một dạng ung thư da rất nguy hiểm có thể xuất hiện ở những người trẻ. Khoảng 40-50% melanom phát triển từ nốt ruồi. Tuy nhiên, so với tàn nhang thì melanom có khuynh hướng lớn hơn, đen hơn và không có hình dạng màu sắc nhất định như một tàn nhang bình thường.

Ung thư tế bào đáy: Là ung thư da thường gặp nhất. Nó thường đỏ hay óng ánh, nhưng thỉnh thoảng nó trở nên nâu làm nhầm lẫn với tàn nhang.

 Các loại tàn nhang

Chấm tàn nhang: Những đốm phẳng màu đỏ hay nâu nhạt, xuất hiện trong những tháng hè nhiều ánh nắng và biến mất hay phai nhạt trong mùa đông. Tàn nhang này thường thấy ở những người có nước da sáng và trong một vài gia đình, chúng có tính di truyền. Che chắn trong thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để ngừa sự xuất hiện những tàn nhang dạng chấm.

Nốt ruồi son: Trẻ em có thể xuất hiện một đốm nâu sậm, nâu hay đen có khuynh hướng tối hơn chấm tàn nhang và không mất hay phai màu trong mùa đông. Đốm dạng này được xem như là nốt ruồi đơn thuần. Tính di truyền của nốt ruồi hiếm và chúng thường xuất hiện từng nốt đơn độc.

Tàn nhang có khuynh hướng xuất hiện bất kỳ lúc nào, nó không là dấu hiệu của tuổi già. Thỉnh thoảng, những nốt ruồi son ở người già trở thành màu nâu, tổn thương vảy khô gọi là dày sừng bã đậu. Dày sừng bã đậu trông giống như sáp, có thể xảy ra cùng vị trí tàn nhang nhưng nguyên nhân không phải là ánh sáng mặt trời, chúng có thể xuất hiện ở những vùng được che phủ.

    Điều trị và phòng ngừa

        Kem làm trắng – Là hợp chất chứa hydroquinon và acid kojic có thể sử dụng không cần chỉ định. Nồng độ hydroquinon cao hơn ( trên 2% ) thì cần có chỉ định. Những chất này có thể làm phai màu tàn nhang nếu dùng thích đúng cách liên tục trong nhiều tháng.

        Tretinoin - Thỉnh thoảng dùng kết hợp với kem làm trắng, tretinoin (vitamin A acid, Retin-A) cũng có tác dụng làm tàn nhang nhạt màu nếu dùng trong thời gian dài.

Phẫu thuật lạnh - Một nguồn sáng lạnh với nitrogen lỏng được sử dụng điều trị tàn nhang.

         Phương pháp đốt điện, dùng tia laser hoặc đốt lạnh bằng ni-tơ lỏng có thể xóa các nốt tàn nhang, nhưng nếu làm không cẩn thận sẽ rất dễ để lại trên da những vết sẹo thâm hoặc sẹo giảm sắc tố, làm giảm thẩm mỹ. Nhiều loại laser đặc biệt là laser ánh sáng xanh, có thể làm sáng lên và xoá đi tàn nhang một cách an toàn và hiệu quả. Giống như phẫu thuật lạnh, đây là phương pháp đơn giản và an toàn với tỉ lệ thành công cao và nguy cơ sẹo thấp.

phòng ngừa luôn tốt hơn là để tàn nhang xuất hiện rồi sau đó điều trị. Những người có yếu tố di truyền bị tàn nhang nên che chắn bất cứ khi nào thích hợp và hạn chế tiếp xúc tối thiểu với ánh nắng mặt trời. Việc làm này giúp ngăn chặn phát sinh tàn nhang và quan trọng hơn nữa là giảm nguy cơ ung thư da. Cần tránh nắng bằng cách đội nón mũ rộng vành, đi găng tay, dùng kem chống nắng có chỉ số SPF lớn hơn 15 (bôi vào vùng da hở trước khi ra nắng 20-30 phút), tránh làm việc ngoài trời từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Ngoài ra, có thể dùng kem làm trắng da chứa hydro quinone 2% hoặc vitamin A vào các buổi tối trước khi đi ngủ.

            Điều trị theo dân gian và y học cổ truyền
- Đan bì 10g, chi tử 10g, gạo tẻ 30g. Cách chế: Đan bì và chi tử rửa sạch, sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, dùng liên tục trong 10 ngày là một liệu trình. Công dụng: Sơ can thanh nhiệt, hoạt huyết lợi thấp, làm cho vết tàn nhang tiêu thoái hoặc nhạt đi.
- Bạch linh 15g, hoài sơn 15g, đậu xanh 20g, gạo tẻ 60g. Cách chế: Bạch linh và hoài sơn sấy khô, tán thành bột mịn; đậu xanh và gạo tẻ đem ninh thành cháo rồi cho bột bạch linh và hoài sơn vào, đun sôi một lát là được, chế thêm một chút đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Sơ can thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần, thường dùng cho những người bị tàn nhang do suy nhược thần kinh, ăn kém, mất ngủ thường xuyên.
-Sinh địa 15g, huyền sâm 10g, chi tử 10g, liên nhục 30g. Cách chế: Sinh địa và huyền sâm rửa sạch, sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi cho chi tử và liên nhục vào ninh nhừ, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Tư âm thanh nhiệt, ích can bổ thận, thường dùng cho những người bị tàn nhang thuộc thể âm hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như người gầy, hay hoa mắt chóng mặt, miệng khô họng khát, có cảm giác bốc hỏa hoặc sốt nóng về chiều, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ; chất lưỡi đỏ, không hoặc ít rêu...
- Dưa chuột tươi 100g, hoài sơn tươi (củ mài) 100g. Cách chế: Dưa chuột rửa sạch gọt vỏ, bỏ ruột thái miếng; hoài sơn rửa sạch gọt vỏ, thái miếng; hai thứ cho vào nồi hầm nhừ, chế thêm một chút đường, dùng làm đồ điểm tâm hằng ngày. Công dụng: Thanh nhiệt dưỡng âm, kiện tỳ bổ thận, trừ ban.
- Đậu đen 60g, ích mẫu thảo 30g. Cách chế: Hai thứ cho vào nồi, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, bỏ bã, chế thêm một chút đường đỏ và 1-2 thìa rượu gạo, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: Dưỡng âm, hoạt huyết, bổ huyết, điều kinh, trừ ban.
Cần chú ý ăn nhiều hoa quả tươi như lê tươi, táo, quýt, na, nho, chanh, cam, chuối chín... và các loại rau xanh. Kiêng ăn các thức ăn có tính kích thích như hành, tỏi, gừng, quế, hồi, hạt tiêu, ớt... và các thức ăn chiên, xào, quay, nướng như gà quay, vịt quay, thịt hun khói, thịt nướng... Đặc biệt cần kiêng tuyệt đối rượu và thuốc lá.

- Bí xanh 500 g, rượu ngon 300 ml. Bí xanh để cả vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng rồi cho vào nồi đất (không bỏ hạt) cùng với rượu, thêm 300 ml nước, đậy kín, ủ vào than hồng. Sau 60 phút vớt bí xanh ra bát, dầm nát, cho vào nước rượu quấy đều, lọc bỏ bã, đun nhỏ lửa cho cạn thành dạng cao hơi lỏng. Lấy cao này bôi kín chỗ bị tàn nhang ngày 1 lần, cần bôi nhiều ngày.

- Bạch truật 100 g, giấm trắng 200 ml. Bạch truật thái mỏng, phơi khô, tán thành bột mịn, cho vào giấm ngâm 7 ngày (hằng ngày cần lắc bình ngâm 1-2 lần). Lấy nước này bôi lên chỗ bị tàn nhang ngày bôi 1 lần, cần bôi nhiều ngày.

- Cánh hoa đào 300 g, nhân hạt bí đao 150 g, mật ong 200 ml. Cánh hoa đào, nhân hạt bí đao phơi khô, tán thành bột mịn, cho vào mật ong quấy đều. Ngày 1 lần bôi thuốc kín chỗ tàn nhang, cần bôi nhiều ngày.

- Hạt bìm bìm đen 100 g phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi ngày lấy 1 thìa cà phê bột thuốc quấy đều với 1 lòng trắng trứng gà, bôi vào nơi bị tàn nhang. Cần bôi nhiều ngày.

- Lá mướp đắng, lá mướp hương và lá sen lượng bằng nhau phơi khô, tán thành bột mịn, cho vào mật ong quấy đều, ngày bôi một lần lên chỗ bị tàn nhang, cần bôi nhiều ngày.

- Rửa mặt với sữa chua, axit lactic đem lại hiệu quả cao trong việc “ xử lý” tàn nhang, lại không gây kích ứng da và không làm khô da.

- Rửa mặt với nước chanh. Không nhất thiết phải chà xát chanh lên mặt, chỉ cần dùng các đầu ngón tay bôi nước chanh lên mặt cũng sẽ đem cho bạn điều bất ngờ.

- Đắp mặt nạ bằng trái cây như mơ, dâu tây, dưa chuột, nho.

- Mặt nạ bằng kem chua. Bạn không nên rửa sạch chúng hoàn toàn, chỉ mát xoa nhẹ, sau đó thoa kem chống khô da. Đối với da dầu, hãy dùng nước chanh trước khi làm mặt nạ.

- Cây mùi tây trộn đều với nước chanh, cam hay nho thoa lên da cũng rất công dụng

 

 

 

 

.

 

Trực tuyến

Đang có 474 khách và không thành viên đang online